Chúng ta chia số nguyên dương làm ba loại:
- Số nguyên dương duy nhất có đúng một ước nguyên dương, đó là số $1$.
- Số nguyên dương có đúng hai ước nguyên dương là $1$ và chính nó, đó là những số nguyên tố. Về bản chất, đó là các số không có ước thực sự.
- Các số có nhiều hơn hai ước số nguyên dương, và nghĩa là nó có ước thực sự. Những số đó gọi là hợp số. Ở bài viết này, chúng ta thường kí hiệu số nguyên tố là $p$.
Để ý rằng, một số nguyên được gọi là chẵn hoặc lẻ tuỳ thuộc vào việc chúng chia hết cho $2$ hoặc không. Rõ ràng, số nguyên dương chẵn lớn hơn $2$ không thể là số nguyên tố. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc có duy nhất một số nguyên tố chẵn, đó là số $2$.
Sau đây là một khẳng định rất quan trọng.
Định lý 2.1 Mọi số nguyên dương lớn hơn $1$ đều là tích của các số nguyên tố.
Chứng minh. Với $n>1$. Nếu $n$ là một số nguyên tố thì ta có luôn điều cần chứng minh. Giờ giả sử $n$ không là số nguyên tố lúc đó gọi $q_1$ là ước bé nhất của $n$. Từ Định lý 1.3 ta có $q_1$ phải là một số nguyên tố. Viết $n = n_1q_1$ với $1<n_1<n$. Nếu $n_1$ là số nguyên tố thì ta có được điều cần chứng minh, nếu $n_1$ không phải là số nguyên tố thì tương tự ta lại đặt $q_2$ là ước bé nhất của $n_1$, ta có \[n=q_1q_2n_2,\quad 1<n_2<n_1<n.\] Cứ tiếp tục lập luận như thế ta thấy có dãy các số nguyên dương giảm dần\[n>n_1>n_2>\ldots>n_t>\ldots>1.\]Quá trình đó, sẽ phải dừng sau không quá $n-1$ bước (bởi mỗi số nguyên dương giảm đi ít nhất một đơn vị), từ đó ta có\[n=q_1q_2\ldots q_s.1=q_1q_2\ldots q_s.\]Ở đấy $q_1,\,q_2,\,\ldots ,\,q_s$ là các số nguyên tố. Và đây là điều cần chứng minh.
$\square$
Ví dụ. $10725=3^15^211^113^1,\quad 2016=2^53^27^1.$
Chúng ta có thể sắp xếp các số nguyên tố ở Định lý 2.1 để có biểu diễn sau (với $p_1,\,p_2,\ldots ,\,p_m$ là các số nguyên tố)\[ n = p_1^{{k_1}}p_2^{{k_2}} \ldots p_m^{{k_m}} = \prod\limits_{i = 1}^m {p_i^{{k_i}}}; \quad {k_1},{\mkern 1mu} {k_2},{\mkern 1mu} \ldots ,{k_m} \in {\mathbb Z^ + },\]\[{p_1} < {p_2} < \ldots {p_m}.\]
Chúng ta gọi đây là phân tích tiêu chuẩn của $n$, sau này ta sẽ chứng minh phân tích đó là duy nhất. Và Định lý 2.1 còn được gọi là “Định lý cơ bản của Số Học”.
Tags: Định Lý Cơ Bản Của Số Học, Hợp Số, Số Học, Số Nguyên Tố
Reply
You must be logged in to post a comment.
No comments
Comments feed for this article
Trackback link: https://maths.vn/so-nguyen-to-va-hop-so/trackback/